Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Trồng cây lạc dại trong vườn thanh long



Đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận có trên 11.000 ha thanh long. Những năm qua, người trồng thanh long ở Bình Thuận thường lấy rơm phủ vào gốc thanh long để giữ độ ẩm. Nhưng hiện nay, lượng rơm không còn nhiều và phải dự trữ cho gia súc ăn vào mùa khô hạn, vì vậy không có rơm để phủ gốc thanh long. Nếu 1 gốc thanh long bình quân phủ 30 kg rơm khô thì tính cho 11.000 ha sẽ tiêu tốn khoảng trên 330.000 tấn rơm, số lượng rơm quá cao nên không thể đáp ứng được.
Mới đây, tại hội thảo khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận, một sáng kiến được thực hiện khá tốt đó là trồng cây lạc dại ở gốc thanh long để che phủ thay cho rơm. Mô hình trồng cây lạc dại được nông dân ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc là những nơi có diện tích cây thanh long cao đang áp dụng có hiệu quả tốt. Anh Lê Văn Dũng, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam cho biết: “Mới nghe nói trồng cây lạc dại (tức là cây đậu phụng dại) nông dân chúng tôi chưa tin vì sợ trồng cây lạc dại vào gốc thanh long sẽ hút hết chất dinh dưỡng của cây thanh long? Nhưng sau khi trồng 1 năm cho thấy có hiệu quả cao. Đầu tư chi phí phân bón cho cây thanh long giảm hẳn vì lạc dại là cây họ đậu, sinh trưởng rất nhanh, cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây thanh long, giữ được độ ẩm, chống rửa trôi rất tốt…”.
Nhờ trồng cây lạc dại mà gia đình anh không tốn công làm cỏ, tưới nước, tiết kiệm được phân bón so với các năm trước. Lạc dại còn làm thức ăn cho đàn gia súc, giàu chất dinh dưỡng.
Anh Dũng cho biết thêm: Cây lạc dại rất dễ trồng, cứ 1 trụ thanh long trưởng thành đã cho quả chỉ trồng 4 khóm xung quanh trụ. Trồng cây lạc dại cũng giống như trồng dây khoai lang, chỉ cắt ra rồi giâm xuống, tỷ lệ sống gần 100%. Sau khoảng 2 tháng khi cây lạc dại phát triển nông dân cắt ra để nhân ra diện rộng cho các trụ thanh long khác. Sau khi trồng khoảng gần 1 năm, cây lạc dại phát triển xanh tốt, người trồng thanh long có thể cắt và ủ vào gốc thanh long để giữ độ ẩm và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây thanh long. Khi cắt cây lạc dại xong nó lại tiếp tục tái sinh và vẫn phát triển bình thường.
Đây là một sáng kiến được đánh giá cao, đem lại hiệu quả bước đầu cho hàng trăm ha thanh long của nông dân Bình Thuận. Từ sáng kiến này, người trồng thanh long không còn phải lo mua rơm để phủ vào gốc thanh long như những năm trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét